UBND tỉnh: Công bố Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cao Bằng đến năm 2030

Chủ nhật - 12/05/2019 23:29
Ngày 31/8, UBND tỉnh tổ chức công bố Quy hoạch (QH) xây dựng vùng tỉnh Cao Bằng đến năm 2030. Dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Triệu Đình Lê; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đàm Viết Hà; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
UBND tỉnh: Công bố Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cao Bằng đến năm 2030

Đồ án QH xây dựng vùng tỉnh Cao Bằng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 11/4/2016. Phạm vi quy hoạch được lập xác định trên toàn tỉnh Cao Bằng với tổng diện tích tự nhiên 6.703,4 km2 gồm 13 đơn vị hành chính. QH xác định chiến lược phát triển vùng là phát triển liên kết vùng thông qua hệ thống các trục giao thông đường bộ, xây dựng các trục giao thông trọng yếu là các trục động lực phát triển. Lựa chọn các trung tâm tăng trưởng phù hợp với sự phân bố các vùng kinh tế. Đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng làm động lực phát triển kinh tế của tỉnh, một trong những cửa ngõ kết nối quan hệ thương mại ASEAN - Việt Nam - Trung Quốc. Tập trung phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Bảo vệ các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp trọng yếu, phát triển các vùng nông nghiệp chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến các mặt hàng nông sản chủ lực. Tăng cường liên kết đô thị - nông thôn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội tại một số khu vực trung tâm xã, ổn định dân cư các xã vùng biên giới...

Dự báo đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7 - 8%/năm; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.650 USD; tổng dân số khoảng 551.300 người; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 27,92%; nhu cầu đất xây dựng khoảng 2.500 ha, nhu cầu đất xây dựng khu dân cư nông thôn khoảng 2.850 ha. Đến năm 2030, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5 - 7,5%; GDP bình quân đầu người khoảng 4.300 USD; dân số khoảng 612.500 người; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 33,55%; đất xây dựng đô thị 3.500 ha, đất xây dựng khu dân cư khoảng 3.100 ha.

QH phân tỉnh thành 3 vùng phát triển gồm: Tiểu vùng trung tâm (vùng I) bao gồm Thành phố và 3 huyện: Hòa An, Nguyên Bình, Hà Quảng; Tiểu vùng phía Đông (vùng II) gồm 6 huyện: Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Uyên, Phục Hòa, Thạch An; Tiểu vùng phía Tây (vùng III) gồm 3 huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông. Định hướng phát triển không gian tại vùng I xây dựng thành phố Cao Bằng thành đô thị loại II, là trung tâm kinh tế tổng hợp, có vai trò đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả tỉnh; phát huy hiệu quả Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, Khu sinh thái Phja Đén, phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Vùng II định hướng phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với phát triển đô thị, phát triển du lịch, xây dựng đô thị Tà Lùng, Trà Lĩnh với vai trò là đô thị hỗ trợ dịch vụ, hậu cần cho Khu kinh tế cửa khẩu, là điểm trung chuyển của hành lang kinh tế phía Đông tỉnh. Định hướng phát triển vùng III xây dựng thị trấn Bảo Lạc là trung tâm phát triển vùng, phát triển hành lang kinh tế dọc quốc lộ 34, đường vành đai biên giới, phát triển thủy điện, trồng cây công nghiệp và dược liệu.

QH xác định 5 không gian phát triển kinh tế gồm: Khu kinh tế cửa khẩu, các vùng phát triển công nghiệp, phát triển nông - lâm nghiệp, không gian phát triển du lịch và các khu bảo tồn, khu vực bảo vệ cảnh quan. Tại vùng I sẽ phát triển công nghiệp cơ khí, luyện kim, điện tử, hóa chất; vùng II phát triển cây công nghiệp, công nghiệp khai khoáng và du lịch; vùng III phát triển cây lâm nghiệp, khai khoáng, thủy điện. Đến năm 2020, tỉnh có 1 khu công nghiệp diện tích khoảng 80 ha tại Chu Trinh (Thành phố) và 7 cụm công nghiệp khác với diện tích khoảng 285 ha. Đến năm 2030 sẽ phát triển thêm 4 cụm công nghiệp khác, nâng tổng diện tích các cụm công nghiệp và khu công nghiệp lên 465 ha. Không gian phát triển nông - lâm nghiệp sẽ duy trì 30.000 ha lúa 2 vụ, 38.000 - 40.000 ha ngô, tăng diện tích trồng thuốc lá 6.000 ha, 3.000 ha mía đường, 5.000 - 6.000 ha đỗ tương, 2.500 ha cây ăn quả; 3.500 - 4.000 ha trồng rau, hoa; 4.000 ha trúc... Không gian phát triển du lịch hình thành 4 cụm du lịch chủ yếu gồm: cụm du lịch trung tâm, cụm du lịch phía Bắc, cụm du lịch phía Đông, cụm du lịch phía Tây và 2 cụm du lịch phụ trợ gồm: cụm du lịch Đông Nam, cụm du lịch Tây Bắc. Đến năm 2030, xây dựng Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, 5 khu bảo tồn loài sinh cảnh và 1 khu bảo tồn nước nội địa.

Phân bố không gian phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, đến năm 2020 cải tạo nâng cấp 68 chợ hiện có, quy hoạch xây dựng mới 34 chợ. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng 3 trung tâm thương mại tại thành phố Cao Bằng, Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng và tại huyện Thạch An. Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viên Y học cổ truyền tỉnh; xây mới các bệnh viện Lao - Phổi, Điều dưỡng và phục hồi chức năng, Nội tiết, Sản - Nhi, Tâm thần, Trường Cao đẳng Y tế... QH mỗi huyện có 1 trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề...

Định hướng phát triển đô thị, đến năm 2020 có 17 đô thị gồm 1 đô thị loại II thành phố Cao Bằng, 1 đô thị loại IV là thị xã Phục Hòa và 15 đô thị loại 5. Đến năm 2030, nâng 3 đô thị loại IV là Nước Hai, Hùng Quốc, Quảng Uyên lên đô thị loại III. Đến năm 2030 xây dựng cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng - Trà Lĩnh theo tuyến mới; sau năm 2020 xây dựng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Toàn bộ đường huyện cải tạo đạt cấp IV miền núi, tối thiểu đạt cấp V miền núi. Quy hoạch Sân bay nội địa tại khu vực Tài Hồ Sìn...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo khẳng định: QH xây dựng vùng tỉnh là cơ sở xây dựng chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, QH xây dựng vùng huyện và QH xây dựng các đô thị trên địa bàn tỉnh; tạo cơ sở pháp lý hướng dẫn, kiểm tra, quản lý QH đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên, các nguồn lực... Đề nghị các ngành, chính quyền địa phương phổ biến, công khai QH xây dựng vùng tỉnh đến nhân dân, tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt QH. Sở Xây dựng lập chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; rà soát, đề xuất kế hoạch lập, điều chỉnh, phê duyệt các QH chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý thực hiện QH xây dựng trên địa bàn và một số khu vực đặc biệt. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp rà soát đưa danh mục các dự án ưu tiên đầu tư theo QH vùng vào danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của tỉnh theo từng giai đoạn. Các sở, ngành rà soát, đề xuất kế hoạch lập, điều chỉnh, phê duyệt các QH chuyên ngành phù hợp với định hướng QH vùng tỉnh. UBND các huyện, Thành phố rà soát, đề xuất kế hoạch lập, điều chỉnh các QH phân khu, QH chi tiết, QH chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn quản lý...

Nguồn tin: baocaobang.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc


 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập36
  • Hôm nay8,413
  • Tháng hiện tại139,153
  • Tổng lượt truy cập1,116,931
quoc huy 1012x1024


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÔNG TIN QUY HOẠCH HUYỆN QUẢNG HÒA HÒA TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 506 366  -  Fax: 02063 822 943 - 
Email: quyhoachphuchoa@gmail.com
Ghi rõ nguồn http://quyhoach.phuchoa.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây